A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÀI THAM LUẬN VỀ “ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC” CỦA TỔ VĂN

Kính thưa các đồng chí trong hội đồng nhà trường
        Đến với buổi Hội thảo hôm nay, tôi xin thay mặt cho tổ Văn trình bày một số vấn đề về việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực HS hiện nay ở các môn Xã hội, cụ thể là môn Ngữ Văn trong chương trình THPT.
      Chúng ta đã biết, Đổi mới phương pháp dạy học là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới giáo dục trung học hiện nay. Luật giáo dục (Điều 28) đã nêu: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui và hứng thú học tập cho HS”.
      Đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông là một quá trình phức hợp vì nó đòi hỏi phải tác động đến nhiều yếu tố khác nhau. Để đổi mới thành công phương pháp dạy học, cần thiết phải đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ các thành tố, các bộ phận cấu thành của quá trình dạy học. Sự đổi mới cần bắt đầu ở việc lập kế hoạch bài học, lựa chọn  các phương pháp dạy học và cuối cùng là  kiểm tra đánh giá kết học tập theo định hướng phát triển năng lực người học.
          Có thể thấy rằng chủ trươmg chuyển đổi cách tiếp cận chương trình giáo dục từ hướng cung cấp nội dung kiến thức sang cách tiếp cận hình thành và phát triển năng lực là một trong những đổi mới căn bản. Sự đổi mới căn bản này cần phải tiến hành một cách toàn diện ở tất cả các yếu tố của quá trình giáo dục: từ mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm tra, đánh giá…
          Để đáp ứng được yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực người học như hiện nay, chúng ta, những GV dạy Văn cần xác định được một số nội dung quan trọng đó là năng lực, năng lực Ngữ văn và đánh giá năng lực Ngữ văn.
          Có thể hiểu năng lực là sự vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố: kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, ý chí, kinh nghiệm và nhiều nguồn lực tinh thần khác để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
          Còn năng lực Ngữ văn gồm có năng lực tiếp nhận văn bản và năng lực tạo lập văn bản. Năng lực tiếp nhận văn bản là khả năng lĩnh hội, nắm bắt được thông tin chủ yếu, từ đó hiểu đúng, hiểu thấu đáo để thấy cái hay, cái đẹp của văn bản, nhất là văn bản văn học. Muốn có năng lực tiếp nhận phải biết cách tiếp nhận. Tức là cần phải dựa vào những yếu tố như từ, ngữ, câu, đoạn, hình ảnh, tiêu đề, dấu câu… để hiểu đúng văn bản.
          Văn bản ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng. Đó không chỉ là các tác phẩm thơ văn nghệ thuật mà còn là các loại văn bản không phải là văn chương, như văn bản viết về lịch sử, địa lý, toán học, sinh học… Vì vậy, bên cạnh việc yêu cầu học sinh đọc hiểu một đoạn văn, bài thơ; chúng ta cần dạy và yêu cầu các em biết đọc hiểu các loại văn bản thông tin.
          Năng lực tạo lập văn bản là khả năng biết viết, biết tổ chức, xây dựng một văn bản hoàn chỉnh đúng quy cách và có ý nghĩa. Muốn có khả năng tạo lập phải biết cách tạo lập. Tức là nắm được cách viết một đoạn văn bản nào đó. Một hiện tượng đáng buồn là bấy lâu nay, chúng ta chỉ chú trọng đến việc rèn kĩ năng tạo lập văn bản nghệ thuật. Trong đó một số văn bản thông thường, gần gũi và thường xuyên phải sử dụng trong cuộc sống thì lại bị coi nhẹ. Hàng loạt học sinh ra đời vẫn không biết viết một bản tường trình, một đơn xin việc, một biên bản cuộc họp cho đúng nội dung và quy cách.
          Để đánh giá năng lực Ngữ văn ( cả tiếp nhận và tạo lập ) cần phải cụ thể hóa các kĩ năng như nghe, nói, đọc, viết thành nhiều mức độ khác nhau. Theo từng cấp học, tâm lí lứa tuổi mà yêu cầu từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp… Cũng từ đó mà lựa chọn một phương thức đánh giá cho phù hợp. Chẳng hạn với kĩ năng: nghe, nói, đọc giáo viên chủ yếu thực hiện đánh giá hàng ngày thông qua các buổi học trên lớp, các hoạt động tập thể,…Còn kĩ năng Viết thì ngoài việc kiểm tra hàng ngày còn được chú trọng ở các kỳ kiểm tra định kì, cuối kì, cuối năm, cuối cấp…
          Mục tiêu của đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực cần xác định khả năng vận dụng tổng hợp những gì đã học của học sinh vào giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
          Nội dung đánh giá không phải chỉ là những gì đã học; không chỉ giữa các phân môn trong môn học mà còn cả những hiểu biết ở các môn học khác. HS cần phải tìm mối liên hệ giữa các kiến thức, kĩ năng của bài học với các hiện tượng, sự vật, sự việc, con người… thường xuất hiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
          Phương pháp đánh giá không chú trọng yêu cầu học thuộc, nhớ máy móc, nói đúng và viết đầy đủ những điều thầy, cô đã dạy… mà coi trọng ý kiến và cách giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân người học; động viên những suy nghĩ sáng tạo, mới mẻ, giàu ý nghĩa; tôn trọng sự phản biện trái chiều, khuyến khích những lập luận giàu sức thuyết phục.
          Như vậy, để đánh giá đúng năng lực Ngữ văn người học thì đề thi và đáp án cần theo hướng mở và tích hợp với những yêu cầu và mức độ phù hợp, tránh cả hai khuynh hướng cực đoan: “ đóng” một cách cứng nhắc, máy móc, sẽ làm thui chột sự sáng tạo và “mở” một cách tùy tiện, thiếu thẩm mỹ, phản giáo dục…
        Là người trực tiếp giảng dạy, chúng tôi nhận thấy sự đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực người học là sự đổi mới tích cực. Song, thiết nghĩ để làm được chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
          Khó khăn thứ nhất là HS chúng ta vốn quen với phương pháp giảng dạy những năm trước đây, tức là GV thường chỉ chú ý đến việc cung cấp kiến thức còn HS thường nghe và ghi chép lại những bài giảng của GV hơn là tự mình cảm thụ, tìm hiểu, khám phá VB.
Thứ hai, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trong lớp học của các nhà trường nói chung còn thiếu thốn, kém xa với nhiều nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa lớp học lại đông (hơn 40 HS ), GV không thể kiểm soát hoạt động học tập cúa tất cả HS trong một giờ hoc. Vì thế nhiều HS ỷ lại, dựa dẫm, không tích cực, chủ động suy nghĩ, tìm tòi, khám phá văn bản.      
Thứ ba, do xu thế phát triển của xã hội và thực tế việc lựa chọn nghề nghiệp mà nhiều năm nay HS đa phần không thích học môn Văn và không có hứng thú với môn Văn. Các em cho rằng học Văn không thiết thực cho nên các em phó mặc cho thầy cô, khôngchịu đọc, không chịu suy nghĩ, tìm tòi, khám phá văn bản.
Và điều khó khăn nữa rất quan trọng là môn Văn không giống với tất cả các môn học khác ở chỗ: Môn Văn thiên về cảm xúc, thẩm mĩ. Vì thế, để học tốt môn Văn cần phải có đời sống tinh thần phong phú, một trái tim giàu cảm xúc... Nhưng những HS như thế không nhiều, ngay cả ở những lớp chọn khối D, cho nên việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập theo định hướng phát triển năng lực của người học là một thử thách không nhỏ với những người trực tiếp giảng dạy.
Nói như vậy không phải là chúng tôi muốn phủ nhận hạn chế của một số GV dạy Văn hiện nay. Bởi trên thực tế, bên cạnh nhiều GV có tâm huyết, luôn tìm tòi, học hỏi để có những giờ dạy hay, đem lại niềm vui và hứng thú cho HS thì vẫn còn đâu đó những giáo viên thiếu tâm huyết, chưa có phương pháp dạy học tích cực, còn tham kiến thức khiến cho nên giờ học khô cứng, nặng nề, buồn tẻ. Và đó cũng là một lí do khiến cho HS không yêu thích giờ Văn, môn Văn.
          Khó khăn thì nhiều, song dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng sẽ cố gắng khắc phục, tích cực tìm tòi, sáng tạo để có phương pháp giảng dạy phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đổi mới môn Ngữ Văn hiện nay.
          Vì thời gian có hạn, bài viết này chắc hẳn chưa đầy đủ, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo dạy Văn
Trân trọng cảm ơn!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Tin tức - Hoạt động
Tin tức
Tin đọc nhiều